Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam là thành viên của Tổ Điều hành thị trường trong nước do Bộ Công Thương chủ trì. Hàng tháng, Hiệp hội tham dự cuộc họp với các thành viên khác của tổ nhằm thông báo và nắm bắt các thông tin chung về thị trường, tình hình biến động của các mặt hàng thiết yếu, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống an sinh xã hội… Văn phòng Hiệp hội xin tóm tắt một số nội dung và chuyển đến các bạn đọc và các hội viên.
TIN THỊ TRƯỜNG THẾ GIỚI
Trong tháng 3/2022, thị trường hàng hóa thế giới tiếp tục có nhiều biến động và chịu ảnh hưởng của các nhân tố kinh tế, chính trị:
– Tình hình dịch bệnh Covid-19 tại nhiều quốc gia tiếp tục có tác động tiêu cực đến cung cầu, giá cả của nhiều hàng hóa trên thế giới;
– Các nhân tố địa chính trị, kinh tế tạo sức ép khác nhau lên giá dầu như: Nguồn cung dầu bị sụt giảm do tác động của xung đột giữa Nga và Ucraine đã khiến quan hệ giữa Nga, Mỹ cùng các nước châu Âu trở nên căng thẳng với các lệnh trừng phạt đã được đưa ra như loại Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, cấm nhập khẩu dầu và năng lượng khác của Nga tại Mỹ… khiến các công ty và tập đoàn năng lượng lớn trên thế giới hạn chế hoặc hủy bỏ mua dầu xuất xứ từ Nga; OPEC+ giữ nguyên cam kết tăng sản lượng theo thỏa thuận trước đó và chỉ tăng nhẹ với mức 432.000 thùng/ngày trong tháng 5; Mỹ công bố quyết định xuất kho khoảng 1 triệu thùng dầu/ngày từ Kho Dự trữ dầu mỏ chiến lược trong 180 ngày; Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tăng lãi suất 0,25% lên mức 0,25-0,5% và dự kiến tăng thêm 6 lần lãi suất trong năm 2022 nhằm kiểm soát lạm phát…;
– Trong tháng 3, giá USD và giá vàng tiếp tục có biến động gây ảnh hưởng đến giá các mặt hàng kim loại quý, kim loại công nghiệp, mặt hàng xuất khẩu được định giá bằng USD. Tình hình căng thẳng Nga và Ucraine thúc đẩy nhu cầu cao đối với các loại tài sản an toàn như vàng, USD. Giá vàng ngày 08/3/2022 chạm đỉnh 2.050 USD/oz, tăng 12,3% so với cuối năm 2021. Ngày 24/3/2022, giá vàng tăng 1,84% so với cùng kỳ tháng 02/2022, tăng 6,01% so với cuối năm 2021. Đồng USD cũng lên giá so với cả 03 đồng tiền EUR, GBP và JPY, Ngày 24/3/2022, so với cuối năm 2021, USD tăng 3,50% so với EUR, tăng 2,57% so với GBP và tăng 5,34% so với JPY.
Nhìn chung, hầu hết giá hàng hóa thiết yếu trên thị trường thế giới trong tháng 3 có xu hướng tăng. Trong tháng 3 năm 2022, giá dầu thô trên thị trường thể giới tăng mạnh vào đầu tháng và gần cuối tháng, đạt mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây, tuy nhiên, giai đoạn giữa và cuối tháng, giá dầu thô giảm. Trên thị trường Singapore, giá bình quân trong tháng 3 của các mặt hàng xăng dầu tăng 18-26% so với tháng 2.
Trong tháng 3, giá hầu hết các loại nguyên liệu thức ăn chăn nuôi thế giới tăng. So với cuối tháng 2/2022, giá phân bón thế giới có xu hướng tăng. Giá chào phân bón Ure tháng 3 phổ biến ở mức: tại Yuzhnyy tăng khoảng 30-40 USD/tấn; tại Trung Đông tăng khoảng 20 USD/tấn và tại Trung Quốc tăng khoảng 10-20 USD/tấn.
Giá nguyên liệu thép thế giới có xu hướng giảm nhẹ trong đầu tháng 3 và tăng trở lại vào cuối tháng 3. So với tháng 2, giá bình quân thép phế loại HMS A 80:20 nhập khẩu vào khu vực Đông Á tháng 3 (tính tới ngày 24/3) tăng 12%, giá bình quân phối thép nhập khẩu vào khu vực Đông Nam Á tháng 3 (tính tới ngày 24/3) tăng 13%…
Ngày 15 tháng 3 năm 2022, trên website chính thức, IMF nêu rõ cuộc xung đột ở Ucraine sẽ tác động tới kinh tế toàn cầu bằng cách làm chậm tăng trưởng và khiến lạm phát tăng cao, cũng như có thể tái định hình về cơ bản trật tự kinh tế toàn cầu trong dài hạn. Nhìn chung, cuộc xung đột đang đẩy giá thực phẩm và năng lượng tăng cao, thúc đẩy lạm phát và làm gián đoạn thương mại, chuỗi cung ứng và kiều hối ở nhiều nước, đặc biệt ở các nước láng giềng của Ucraine. IMF dự kiến sẽ tiếp tục giảm dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2022 trong báo cáo sẽ ban hành vào ngày 19/4 tới đây.
Nhìn chung, những nguy cơ về chính sách kinh tế, địa chính trị, xung đột vũ trang, cấm vận, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, bất ổn xã hội gia tăng… tiếp tục cản trở xu hướng tăng trưởng kinh tế trên thế giới năm 2022. Giá cả nhiều hàng hoá thiết yếu, nhất là dầu thô khó dự đoán sẽ ảnh hưởng đến giá các hàng hoá khác.
THỊ TRƯỜNG TRONG NƯỚC
Tháng 3: Thị trường hàng hóa đang phục hồi trở lại gần như những tháng thông thường trước khi có dịch bệnh Covid-19. Nguồn cung các hàng hóa luôn được bảo đảm, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Giá một số hàng hóa nhóm lương thực, thực phẩm giảm nhẹ so với tháng trước do sau Tết Nguyên đán, nhu cầu các mặt hàng này giảm. Các mặt hàng nhóm nhiêu liệu, năng lượng và nguyên liệu kim loại, vật tư nông nghiệp giá tăng do ảnh hưởng của giá thế giới.
Quý I năm 2022: Mặc dù dịch bệnh Covid-19 vẫn tiếp tục lây lan tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, số ca nhiễm tăng mạnh, tuy nhiên theo chỉ đạo của Chính phủ về việc thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh (sau khi tỷ lệ tiêm phủ vacine đã cao) nên các hoạt động sản xuất, kinh doanh đã dần được phục hồi và đang diễn ra khá sôi động. Lưu thông hàng hóa trên thị trường đã tăng dần trở lại. Thị trường các hàng hóa nguyên, nhiên liệu thiết yếu trong nước chịu ảnh hưởng lớn từ những biến động giá, cung cầu hàng hóa trên thị trường thế giới nên có nhiều biến động.
Nhóm hàng nhiên liệu, năng lượng: Trong Quý I, thị trường mặt hàng xăng dầu trong nước có nhiều biến động. Nguồn cung xăng dầu trong nước chịu ảnh hưởng từ việc Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn (đơn vị chiếm 35-40% tổng cung) đã giảm mạnh công suất sản xuất và không cung ứng đủ sản lượng xăng dầu cho thị trường như đã cam kết và ký hợp đồng với các thương nhân đầu mối kinh doanh. Trong khi đó, nguồn cung xăng dầu từ nguồn nhập khẩu gặp khó khăn do giá tăng mạnh, cạnh tranh lớn trước những bất ổn chính trị tại Châu Âu.
Nhóm hàng vật tư nông nghiệp: Nguồn cung từ sản xuất trong nước và nhập khẩu nguyên liệu được đảm bảo, đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng. Tuy nhiên, giá các mặt hàng này có biến động tăng do ảnh hưởng của giá nguyên liệu trên thị trường thế giới.
Tình hình Tổng sản phẩm trong nước (GDP) và xuất nhập khẩu
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I năm 2022 ước tính tăng 5,03% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 4,72% của quý I năm 2021 và 3,66% của quý I năm 2020 nhưng vẫn thấp hơn tốc độ tăng 6,85% của quý I năm 2019. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,45%, đóng góp 5,76% vào mức tăng trưởng chung, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,38%, đóng góp 51,08%; khu vực dịch vụ tăng 4,58%, đóng góp 43,16%.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong tháng 3 năm 2022, hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa hồi phục mạnh mẽ với tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 66,73 tỷ USD, tăng 36,8% so với tháng trước và tăng 14,7% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý I năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 176,35 tỷ USD, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 12,9%; nhập khẩu tăng 15,9%.
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 3/2022 ước đạt 34,06 tỷ USD, tăng 45,5% so với tháng trước. Tính chung quý I năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 88,58 tỷ USD, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm trước. Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu quý 1 năm 2022, nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản chiếm 1,4% (1,23 tỷ USD, tăng 68% so với cùng kỳ năm trước); nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm 89% (78,82 tỷ USD, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước); nhóm hàng nông sản, lâm sản chiếm 6,9% (6,12 tỷ USD, tăng 11,1% so với cùng kỳ năm trước); nhóm hàng thủy sản chiếm 2,7% (2,41 tỷ USD, tăng 38,7% so với cùng kỳ năm trước).
Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 3/2022 ước đạt 32,67 tỷ USD, tăng 28,7% so với tháng trước. Tính chung quý I năm 2022, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 87,77 tỷ USD, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm trước. Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu quý I năm 2022, nhóm hàng tư liệu sản xuất chiếm 93,8% (82,37 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước), trong đó nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng chiếm 46,2%, giảm 0,2 điểm phần trăm; nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu chiếm 47,6%, tăng 0,3 điểm phần trăm. Nhóm hàng vật phẩm tiêu dùng chiếm 6,2% (5,4 tỷ USD, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước).
Cán cân thương mại hàng hóa tháng 3 ước tính xuất siêu 1,39 tỷ USD. Tính chung quý I năm 2022, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 809 triệu USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 2,76 tỷ USD).
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI)
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, CPI tháng 3/2022 tăng 0,7% so với tháng 2/2022, trong đó, nhóm có mức tăng cao nhất là nhóm giao thông (tăng 4,80%) do ảnh hưởng của giá xăng dầu thế giới tăng mạnh nên giá xăng dầu trong nước cũng được điều chỉnh tăng trong các kỳ điều hành của tháng 3; tiếp đến là nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng (tăng 1,49%)… CPI bình quân Quý I tăng 1,92% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó nhóm có mức tăng cao nhất vẫn là nhóm giao thông (tăng 16,09%) do ảnh hưởng của giá xăng dầu tăng liên tục trong thời gian vừa qua trước tác động của giá các mặt hàng năng lượng trên thị trường thế giới tăng mạnh; tiếp đến là nhóm lương thực, ăn uống ngoài gia đình, đồ uống thuốc lá (tăng từ 2,19-2,96%) do nhu cầu các mặt hàng này tăng sau thời gian áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội để phòng chống dịch bệnh Covid-19 và giá gạo tăng do ảnh hưởng của giá gạo xuất khẩu; các nhóm khác chỉ tăng từ 0,23-1,87%./.
Trích Dự thảo báo cáo Tổ Điều hành thị trường trong nước Bộ Công Thương
VPPA (tổng hợp)